4 lý lẽ chính đáng thuyết phục sếp tăng lương

Có vô vàn lý do không đếm xuể khi chúng ta đề cập đến chuyện tăng lương. Chẳng hạn như chi phí sinh hoạt và chăm sóc cá nhân tăng lên mỗi năm. Tuy nhiên, thực tế là kết quả của các cuộc đàm phán lương không hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài, mà căn cứ vào hiệu suất làm việc và lý luận của bạn thuyết phục hay không. Bạn có thể chứng minh sự cam kết và hiệu suất của mình đã tác động lớn đến thành công của công ty không? Từ khi trở thành trưởng nhóm, bạn đã dẫn dắt mọi người làm việc hiệu quả, năng động và vui vẻ tích cực hơn ra sao?

Hãy cùng careerviet xem xét những câu hỏi này, nhằm có kế hoạch xây dựng các lập luận và dẫn chứng xác thực để trình bày với sếp mong muốn được tăng lương trong thời gian sắp tới!

Chỉ yêu cầu tăng lương khi có hiệu suất tốt

Vì người sử dụng lao động muốn duy trì chi phí càng thấp càng tốt nên rất hiếm khi họ chủ động tự nguyện tăng mức lương. Do đó, trong hầu hết trường hợp, bạn cần tự mình sắp xếp một lịch hẹn để đàm phán lương.

Đã xem đây là cơ hội đàm phán, trước tiên bạn phải đánh giá hiệu suất và xác định được triển vọng của bản thân trong công việc, thay vì ngay lập tức đòi được tăng lương.

Hãy thật khéo léo! Nền tảng của mọi cuộc đàm phán lương chỉ nên xoay quanh công việc và hiệu suất; không nên vin vào các lý do khác bên ngoài, như bạn có thêm người phụ thuộc hay vợ vừa mới sinh con thứ hai, làm cớ đòi tăng thu nhập. Thông tin duy nhất quan trọng với công ty, người quản lý nhân sự và sếp là đóng góp cụ thể của bạn cho công ty, những điều có thể chứng minh bằng số liệu và sự kiện thực tế.

4 lý lẽ sau đây sẽ giúp bạn chứng minh sự đóng góp cá nhân đối với công ty tốt nhất:

Bạn giúp công ty tiết kiệm chi phí:

- Đàm phán thành công với nhà cung cấp về các điều khoản có lợi cho công ty
- Phụ trách các hoạt động trước đây phải thuê ngoài
- Cải thiện dòng chảy hàng hoá
- Thúc đẩy và tận dụng tốt sự phối hợp làm việc giữa các phòng ban
- Áp dụng nhiều quy trình mới giúp tiết kiệm thời gian, nhân lực, chi phí cho công ty

Bạn góp phần tăng doanh thu cho công ty:

- Phát triển các lĩnh vực kinh doanh mới
- Mở rộng vùng hoạt động, phạm vi phân phối hoặc khu vực kinh doanh
- Ký hợp đồng mới hoặc thâu tóm được các khách hàng lớn và quan trọng
- Thắng thầu hợp đồng với giá cạnh tranh

Bạn mở rộng phạm vi trách nhiệm trong công việc bằng cách gánh vác thêm…

- Các nhiệm vụ hoặc dự án đặc biệt
- Tiếp quản một số trách nhiệm quản lý chung
- Giữ vai trò quản lý một dự án

Bạn nâng cao năng lực và trình độ của mình vì lợi ích của công ty

- Rành rẽ nhiều kiến thức chuyên môn sâu rộng trong việc quản lý dự án
- Tích luỹ các bí quyết trong những lĩnh vực mới hoặc xu hướng có triển vọng
- Học thêm ngoại ngữ để thúc đẩy việc mở rộng khu vực của công ty ra tầm quốc tế
- Rèn luyện kỹ năng giao tiếp để đối phó với những khách hàng thuộc “ca khó”

Đòi hỏi trong chừng mực

Cần tránh những sai lầm dẫn đến phản ứng ngược, tự lượng sức và đừng phóng đại khi trình bày nguyện vọng! Trước khi bước vào đàm phán, bạn nên nắm rõ con số khả dĩ có thể yêu cầu mà không bị xem là “quá đáng” hoặc “vô lý”. Rất nên làm rõ các câu hỏi này:

- Mức lương chi trả cho vị trí tương đương (với cùng cấp bậc, lĩnh vực) ở các công ty khác ra sao? Có thể truy cập chuyên trang thông tin về lương VietnamSalary để xem xét mức thu nhập bình quân ngành và đo lường giá trị của bạn trên thị trường nhân lực.
- Tình hình tiền lương trong lĩnh vực bạn làm việc hiện đang thế nào?
- Có sự chênh lệch về mức lương xét theo khu vực (địa phương, quốc gia…) hay không?

Kinh nghiệm cho thấy chúng ta có thể yêu cầu mức tăng lương khả thi trong khoảng từ 4-7%. Mức tăng với tỷ lệ 10% chủ yếu thường xảy ra với những nhân viên xuất sắc đã có đóng góp đáng kể cho thành công của công ty.

Đề xuất tăng lương đúng thời điểm

Nên nhớ rằng không phải lúc nào cũng là thời điểm thích hợp để đàm phán tăng lương. Thời điểm tốt bao gồm:

- Tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của công ty đang suôn sẻ, thuận lợi
- Một đến hai năm sau khi ký hợp đồng chính thức
- Sau thời gian thử việc, nếu khi thoả thuận lương ban đầu hai bên đã thống nhất
- Sau khi hoàn thành mỹ mãn một dự án
- Nếu bạn phải đảm đương thêm nhiều trách nhiệm hơn
- Kể từ lần tăng lương gần nhất đến nay, bạn đã tăng năng suất và hiệu suất làm việc của mình lên rất nhiều
- Khi quản lý trực tiếp của bạn là người có xu hướng đồng cảm và dễ đáp ứng.

Đề xuất tăng lương sau lần đầu tiên bị từ chối

Nếu đề nghị tăng lương của bạn bị cấp trên từ chối hoặc trì hoãn, đừng chọn cách hành xử nóng vội như công kích, doạ dẫm hay bài bác họ. Thay vào đó, nên tìm hiểu lý do để biết bản thân cần đáp ứng điều kiện gì mới được tăng lương. Rồi sắp xếp một cuộc hẹn đàm phán lương tiếp theo, sau khi đã làm việc kỹ lưỡng với các yêu cầu công ty đưa ra. Nắm thật vững 7 từ khoá mà careerviet đã chia sẻ để giữ tư thế đĩnh đạc và chuyên nghiệp nhất trong tình huống bị từ chối.

Ngoài ra, bạn cũng có thể gợi ý với công ty về những cơ hội tăng lương cho mình theo cách sáng tạo hơn như: tặng xe hơi phục vụ cho công việc, tiền thưởng nếu hoàn thành chỉ tiêu, chi phí đào tạo nâng cao hoặc du lịch cá nhân…

Nguồn hình: Freepik

Danh sách việc làm

createGóp ý kiến